Để chung tay khôi phục môi trường, bảo tồn loài chim sếu đầu đỏ quý hiếm, nhiều nông dân quanh khu bảo tồn Tràm Chim (Đồng Tháp) đã chuyển đổi sang trồng lúa sinh thái, sử dụng ít phân, thuốc hóa học.
Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ ở vườn quốc gia Tràm Chim. Ngoài mục tiêu chính là tái tạo sinh cảnh khu bảo tồn để phát triển đàn sếu khoảng 100 con sinh sống thường xuyên, đề án còn chuyển đổi 900ha ruộng quanh Tràm Chim sang hình thức trồng lúa sinh thái, hữu cơ, phát triển du lịch, tạo sinh kế mới cho người dân.
Dù theo kế hoạch năm 2024 chỉ chuyển đổi khoảng 200ha ruộng quanh khu bảo tồn sang hình thức canh tác sinh thái, nhưng đến nay đã có trên 310ha được người dân chủ động chuyển đổi.
Với cách canh tác mới, nông dân hạn chế dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu, nhờ đó giảm tác động tới môi trường. Đồng ruộng cũng được xả lũ trong mùa nước nổi, tái tạo hệ sinh thái đặc trưng vùng đất ngập nước theo mùa Đồng Tháp Mười.
Từ những cánh đồng sinh thái, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng thương hiệu gạo mới, chất lượng cao gắn với hình ảnh sếu đầu đỏ. Bước đầu, những sản phẩm “gạo sếu” được thị trường đón nhận tích cực.
Những ruộng lúa sinh thái trở thành biểu tượng cho sự hòa hợp giữa sản xuất nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Văn Mẫn (62 tuổi) là một trong những nông dân đầu tiên ở vùng đệm Tràm Chim chuyển đổi sang canh tác lúa sinh thái. Ông Mẫn chia sẻ, sếu được người dân quanh vùng coi là linh vật, là loài chim may mắn.
Các nông dân ở Tràm Chim tin rằng ruộng lúa nhà ai được sếu đậu xuống kiếm ăn thì nhà đó sẽ có vụ mùa bội thu. Vì vậy, khi biết chính quyền triển khai đề án bảo tồn sếu, người dân quanh khu bảo tồn đều vui mừng, mong chờ và hưởng ứng.
Ông Mẫn cho biết, với cách trồng lúa sinh thái, nông dân tiết kiệm được giống, bón phân hữu cơ thay phân hóa học, giảm thuốc trừ sâu. Tuy năng suất có giảm so với cách canh tác cũ, nhưng do tiết kiệm được chi phí nên ruộng lúa sinh thái vẫn mang lại lợi nhuận tốt hơn.
“Trước đây sếu về Tràm Chim nhiều lắm. Nhưng do môi trường thay đổi, mấy năm gần đây loài chim quý này không về nữa. Chúng tôi chuyển sang trồng lúa sinh thái, mong góp phần nào cải thiện môi trường để ngày nào đó sếu lại đậu trên ruộng lúa. Hơn nữa với cách canh tác mới chúng tôi và con cháu đều được sống trong môi trường trong lành hơn”, lão nông chia sẻ.
Sếu đầu đỏ là động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ quốc tế. Chim đặc trưng có đầu màu đỏ, cao đến 1,8m, là loài chim biết bay cao nhất còn tồn tại trên trái đất. Sếu đầu đỏ sống ở Đông Nam Á lục địa, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do môi trường sống thu hẹp.
Vườn quốc gia Tràm Chim là khu bảo tồn sinh cảnh ngập nước theo mùa đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười. Rừng tràm và đồng cỏ nơi đây rộng hơn 7.300ha, có khoảng 500 loài động thực vật sinh sống, cũng từng là nơi sếu đầu đỏ tìm về kiếm ăn nhiều nhất ở Việt Nam.
Ngày 12/12 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã công bố đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Tràm Chim. Đề án đặt mục tiêu chính từ nay đến năm 2032 sẽ đưa 60 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan về Tràm Chim bảo tồn. Trong thời gian này, kỳ vọng đàn sếu sẽ phát triển lên khoảng 100 cá thể, sinh sống quanh năm ở Tràm Chim.